Home » Dự án đang thực hiện » TĂNG CƯỜNG SỰ THAM GIA CỦA CỘNG ĐỘNG NHẰM LOẠI TRỪ SỐT RÉT

TĂNG CƯỜNG SỰ THAM GIA CỦA CỘNG ĐỘNG NHẰM LOẠI TRỪ SỐT RÉT

Trung tâm Tư vấn Sức khỏe và Phát triển cộng đồng (CHD) là thành viên của Sáng kiến Cộng đồng Phòng chống Sốt rét Việt Nam (VietMCI) cùng với 3 tổ chức khác là: Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI), Hội Y tế công cộng Việt Nam (VPHA)Trung tâm Tham vấn và Hỗ trợ cộng đồng Pháp Bảo (Phap Bao Center) sẽ thực hiện dự án “Tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong loại trừ bệnh sốt rét”. Đây là một thành phần của dự án Regional Artemisinin-resistance Initiative (RAI) – giai đoạn 2 từ năm 2018 đến năm 2020 do Quỹ Toàn cầu tài trợ.

Mục tiêu của dự án:

Nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc loại trừ Sốt rét tại Việt Nam, các hoạt động của dự án sẽ tập trung vào bốn lĩnh vực sau:

1)      Truyền thông và vận động chính sách cấp trung ương và địa phương;

2)      Sự tham gia của tổ chức xã hội trong nghiên cứu triển khai cũng như xây dựng, giám sát và đánh giá chương trình sốt rét cấp địa phương và quốc gia;

3)      Những can thiệp dựa vào cộng đồng hướng đến nhóm dân cư di biến động và khó tiếp cận

4)      Sự tham gia của khu vực y tế tư nhân trong cung cấp dịch vụ xét nghiệm và điều trị cũng như của khối doanh nghiệp trong việc kiểm soát sốt rét.

Thời gian: Từ tháng 01 năm 2018 đến tháng 12 năm 2020.

Địa bàn và quy mô của dự án:

  • Hoạt động #1 và #2 sẽ được triển khai ở tất cả các cấp (từ cấp xã tới Trung ương).
  • Hoạt động #3 và #4 sẽ tập trung tại vùng lưu hành sốt rét nhẹ (Vùng III) – 149 xã thuộc 4 tỉnh có sốt rét lưu hành cao nhất: Bình Phước, Đắk Nông, Gia Lai và Đắk Lắk.

Số người hưởng lợi:

  • Tổng số dân của vùng dự án hơn 386.000 người.
  • Trong đó, ước tính có 20% dân số địa phương là những người sinh sống trong rừng và thuộc nhóm khó tiếp cận, và nhóm dân cư di biến động chiếm tương ứng 10% dân số.

Phương pháp tiếp cận của dự án:

Hai phương pháp tiếp cận chính được áp dụng:

  • Làm việc với người dân cộng đồng tại địa phương – thông qua các chương trình truyền thông và có sự tham gia của cộng đồng – để thiết lập nên các “quy tắc địa phương” trong phòng tránh muỗi đốt và tìm kiếm dịch vụ y tế;
  • Thực hiện những can thiệp chuyên sâu thay đổi hành vi tập trung vào nhóm di biến động và khó tiếp cận, bao gồm tư vấn truyền thông, cấp phát vật phẩm bảo vệ cá nhân, chuyển gửi và hỗ trợ tuân thủ điều trị đến từng cá nhân, v.v…

Bình luận

Bình luận

Leave a Reply

BIGTheme.net • Free Website Templates - Downlaod Full Themes