Theo kết quả giám sát trọng điểm và giám sát phát hiện tại tỉnh Hải Dương, hiện đã xuất hiện những mẫu HIV dương tính từ nhóm dân di biến động, trong đó có người lao động tại các khu công nghiệp.
Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Hải Dương hiện đang tiếp nhận và điều trị cho 895 bệnh nhân, trong đó, người nhiễm HIV chủ yếu là nhóm trong tuổi lao động từ 15-49 tuổi. Tỉ lệ nhiễm được phát hiện ở nữ có xu hướng tăng.
Qua giám sát trọng điểm các năm, tỉ lệ hiện nhiễm HIV của nhóm nguy cơ cao giảm ở nhóm nghiện chích ma túy và ổn định ở nhóm mại dâm. Tuy nhiên, nhóm tình dục đồng giới nam xu hướng tăng năm 2010 là 0,67% đến năm 2013 tỉ lệ là 1,33%, nhóm dân di biến động ở một số lao động tại các khu công nghiệp cũng đã bắt đầu xuất hiện.
Hiện tỉnh Hải Dương có 13 khu công nghiệp với 77.000 công nhân, tuy nhiên nhiều công nhân làm việc vẫn chưa được tiếp cận với những kiến thức phòng, chống HIV/AIDS. Một trong những nguyên nhân chính là khó khăn trong việc tiếp cận công tác tuyên truyền.
Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Hải Dương cho biết, khó khăn trong công tác tiếp cận tuyên truyền là do nhiều chủ doanh nghiệp, khu công nghiệp không muốn các công nhân của mình tiếp xúc với người lạ. Ngoài ra, nhiều công nhân lo ngại bị sa thải, phân biệt đối xử, kỳ thị vì đã từng có trường hợp công nhân phát hiện nhiễm HIV đã bị sa thải bằng nhiều lý do khác nhau.
Mặc dù tại các khu công nghiệp đều có ký túc xá cho công nhân với mức giá phải chăng. Chẳng hạn như một Khu Công nghiệp ở Phúc Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương có ký túc xá 2.500 chỗ ở cho các nữ công nhân với phòng máy lạnh…mức phí chỉ 80.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1.000 chỗ được sử dụng, các nữ công nhân không muốn vì hầu hết đang ở tuổi “cập kê” trong khi ký túc xá đóng cửa vào 20h, cấm người lạ vào. Đa số công nhân doanh nghiệp này bỏ ra ngoài thuê nhà với giá cao, để có cuộc sống thoải mái hơn.
Phản ánh tình hình thực tế, anh L.T.H, công nhân lao động tại Khu Công nghiệp Đại An, thành phố Hải Dương cho biết, lao động xa nhà nhiều khi buồn nên dễ khiến công nhân lao động sa vào tệ nạn ma túy, mại dâm. Bên cạnh đó, có một số trường hợp lây nhiễm HIV từ bạn tình do không có nhiều kiến thức phòng tránh HIV/AIDS.
Trường hợp của chị Lê T.N., 33 tuổi, ở huyện Tứ Kỳ, Hải Dương nhiễm HIV từ chồng năm 2006. Hai vợ chồng chị N. đang được điều trị bằng thuốc ARV, sức khỏe ổn định và có thể làm việc bình thường. Do điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, nên 2 vợ chồng chị N đã có một con gái 5 tuổi khỏe mạnh, không lây nhiễm HIV từ mẹ.
Chị N. đang làm công nhân cho một công ty tư nhân tại khu công nghiệp, cách nhà 10 km với mức lương 3 triệu đồng một tháng. Tuy nhiên, do lo sợ đồng nghiệp xa lánh, bị đuổi việc, không có “cơm ăn, áo mặc” nên chị N. đã cố gắng che giấu thân phận tại nơi mình làm việc.
Ở địa phương chị sống, hầu như mọi người đều biết 2 vợ chồng chị nhiễm HIV. Nhưng vì hiểu biết về căn bệnh HIV/AIDS nên 2 vợ chồng chị không bị phân biệt đối xử, kỳ thị. Khó khăn trong công tác điều trị của chị N. đó là những lần đi lấy thuốc, thăm khám, chị phải xin nghỉ việc để không bị phía công ty nghi ngờ, chị phải viện nhiều lý do như con đi viện, chồng ốm, đưa bố đi khám bệnh…
Đứng trước tình hình gia tăng tỉ lệ lây nhiễm HIV/AIDS ở quần thể các nhóm có nguy cơ cao, công tác tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS cần được đẩy mạnh tại các khu công nghiệp. Bởi có nâng cao được nhận thức cho công nhân lao động tại nơi làm việc, nơi cư trú mới góp phần ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS trong cộng đồng. Bên cạnh đó, người nhiễm HIV/AIDS cần vượt qua mặc cảm, không tự kỳ thị bản thân để sớm phát hiện tình trạng bệnh và tiếp cận với điều trị thuốc kháng virus HIV bằng ARV.
Theo tiengchuong.vn