Một phần kết quả về Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của UBMTTQ khảo sát tại hai huyện vùng ven TP Hồ Chí Minh của Trung tâm Tư vấn sức khỏe và Phát triển cộng đồng (CHD) đã được đăng tải trên báo Pháp Luật, số 213, ngày 01-08-2015
Ngày 9/6/2015 Quốc hội đã thông qua Luật Mặt trận Tổ Quốc (sửa đổi) với tỉ lệ tán thành trên 85%, luật sửa đổi đã thể hiện được vai trò của Mặt trận Tổ Quốc (MTTQ) trong giai đoạn mới. Nhưng trên thực tế, chức năng giám sát và phản biện xã hội (PBXH) của MTTQ và các tổ chức thành viên từ khâu thẩm định dự thảo một văn bản trước ban hành, đến khi văn bản có hiệu lực, áp dụng vào thực tiễn vẫn còn nhiều bất cập và vướng nhiều khó khăn.
Dân còn chưa nắm rõ
Theo khảo sát thực tế tại hai huyện vùng ven của Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) vào tháng 1/2015 (của Trung tâm Tư vấn sức khỏe và phát triển cộng đồng (CHD) do Quỹ hỗ trợ sự tham gia của người dân và trách nhiệm giải trình (PARAFF) hỗ trợ thực hiện cho thấy, có đến 74,3% người dân (trong tổng số 408 người tham gia khảo sát) không biết đến Luật MTTQ năm 1999, và chỉ có 28,8% người dân biết MTTQ có vai trò “tuyên truyền, phát huy quyền làm chủ, quyền giám sát và PBXH của người dân”. Nó đã chứng minh một điều, hiện tại đa số người dân vẫn chưa quan tâm hoặc chỉ biết MTTQ là một tổ chức chăm lo cho người nghèo. Thậm chí, tại một số địa phương một cán bộ cũng phải thừa nhận: “Nói đến Mặt trận, người ta biết đó là đơn vị chăm lo cho người nghèo”.
Chỉ hỏi những người dân về định nghĩa giám sát và PBXH có ý nghĩa như thế nào thì câu trả lời nhận được là sự hiểu biết không đầy đủ hoặc rất thấp về những quyền lợi của mình được hưởng. Điều này cho thấy công tác tuyên truyền của MTTQ và các đoàn thể đến người dân còn khá hạn chế hoặc do người dân chưa nhận thức được lợi ích khi tham gia những hoạt động giám sát (chỉ 23,5% số người tham gia hoạt động giám sát cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền).
Nguyên Nhân
Lý giải nguyên nhân trên, một cán bộ đang làm công tác MTTQ cho rằng: “Vấn đề khó nhất của người dân đó là họ nhầm lẫn giữa hai từ là đóng góp hay phản biện. Tại các hội nghị lấy ý kiến, người dân cho là mình phản biện nhưng thực tế là họ đang đóng góp ý kiến. Để phản biện một nội dung nào đó mà người dân quan tâm thì cần phải có một cái vốn kiến thức uyên bác thì mới phản biện được. Khi chúng tôi thành lập một tổ giám sát cộng đồng giám sát để một việc gì đó mà những người tham gia không đủ trình độ cũng như hiểu biết thì việc giám sát không thể có chất lượng được.”.
Trên thực tế, khi MTTQ đưa ra các Văn bản quy phạm pháp luật xin ý kiến người dân thì đa phần người dân không tham gia hoặc tham gia phản biện một cách chiếu lệ, cho có. Khảo sát 42 cán bộ thuộc khối đoàn thể và dân vận cho thấy MTTQ có chủ động đưa các VBQPPL tại các hội nghị để lấy ý kiến người dân nhưng đến hơn một nửa người dân đều trả lời họ không biết đến hội nghị làm gì hoặc nếu biết thì họ bị động trong cách tiếp cận vấn đề, không có thời gian nghiên cứu trước vấn đề. Một vấn đề nữa đặt ra đó là, những người tham gia vận động người dân chủ yếu là Trưởng ấp/Khóm/Tổ dân phố (chiếm 46,9%) còn cán bộ MTTQ thì lại rất ít (22,2%).
Tuyên truyền tới dân
Người dân luôn đặt câu hỏi: “Mình được lợi gì và có quyền gì khi tham gia vào hoạt động giám sát, PBXH ?. Chính vì vậy, để vai trò giám sát và PBXH đến với từng người dân hơn thì MTTQ còn rất nhiều việc phải làm. Và một trong những nhiệm vụ cấp thiết của MTTQ trong lúc này đó là chính Mặt trận cần tuyên truyền mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa những vai trò của Mặt trận và quyền lợi của mỗi người dân khi tham gia giám sát và PBXH. Từ đó mới khuyến khích người dân tham gia đối với công tác PBXH nhiều hơn, đóng góp những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm vào công việc chung: xây dựng và bảo vệ đất nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Diệu Thu
Nguồn: Báo Pháp Luật số 213, ngày 01-08-2015
Phản biện xã hội: Dân muốn tham gia, nhưng…