Home » Uncategorized » CHUYÊN ĐỀ KHOA HỌC “THIẾT BỊ AN TOÀN BẢO VỆ TRẺ EM TRÊN XE Ô TÔ”

CHUYÊN ĐỀ KHOA HỌC “THIẾT BỊ AN TOÀN BẢO VỆ TRẺ EM TRÊN XE Ô TÔ”

Sáng 03/8/2023, Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á (Quỹ AIP), Trung tâm Tư vấn Sức khỏe và Phát triển Cộng Đồng (CHD) tổ chức buổi họp chuyên đề khoa học về thiết bị an toàn bảo vệ trẻ em trên xe ô tô.

Buổi họp có sự tham gia của Văn phòng Ủy Ban An toàn Giao thông Quốc gia (UBATGTQG), Cục Cảnh sát giao thông – Bộ Công An, Vụ Pháp chế – Bộ Y tế, Cục Đường bộ, Cục đăng kiểm cùng các chuyên gia  đến từ Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), Tổ chức Vận động Chính sách Y tế Toàn cầu (GHAI), Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á (Quỹ AIP), Trung tâm Tư vấn sức khỏe và phát triển cộng đồng (CHD), Đại học Y tế công cộng.

Cuộc họp được tổ chức nhằm cung cấp cho các đại biểu những thông tin thực tế và cụ thể nhất về thực trạng an toàn giao thông cho trẻ em, sự cần thiết, lợi ích và các khuyến cáo thiết thực về thiết bị an toàn (TBAT) cho trẻ em trên xe ô tô để hiểu rõ hơn về bối cảnh an toàn giao thông đường bộ trên toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng.

Tại dự thảo Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ (TTATGT) đề xuất trẻ dưới 10 tuổi hoặc có chiều cao dưới 1,35m được chở trên xe ô tô con không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ; trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (trừ xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật đường bộ). Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em.Đây là quy định mới tăng cường bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe ô tô. Trước đó, Luật Giao thông đường bộ 2008 mới chỉ có quy định về đội mũ bảo hiểm cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi ngồi trên mô tô xe máy, còn với trẻ em ngồi trên ô tô thì gần như chưa có quy định hướng dẫn. Theo các nghiên cứu, thiết bị an toàn cho trẻ em có thể giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong từ 34% đến 81% /năm và giảm các chấn thương nghiêm trọng từ 35% đến 72 % và đồng thời có thể giảm các chấn thương khác của trẻ từ 25%đến 58 % trong các vụ va chạm.

Vấn đề đặt ra đối với quy định “Trẻ em ở độ tuổi và chiều cao như thế nào là phù hợp và đảm bảo an toàn khi sử dụng dây an toàn trong xe ô tô?” đại diệu UBATGT quốc gia cũng yêu cầu các thông tin, bằng chứng cần có từ các báo cáo chính thống, uy tín và đã được cụ thể hóa. Đề nghị các diễn giả, đại biểu làm rõ vấn đề sự cần thiết về các thiết bị an toàn cho trẻ em; tiêu chí như thế nào là phù hợp, tại sao lại là tuổi hay chiều cao, trong quy định nên dùng từ “và” hay “hoặc”, kinh nghiệm quốc tế và khuyến cáo với Việt Nam, đối tượng quy định là xe cá nhân hay xe khách, xe công cộng, cần làm rõ. Đại diện Uỷ ban ATGTQG cũng bày tỏ mong muốn các tổ chức quốc tế, các cơ quan, đơn vị đồng hành trong công cuộc đảm bảo an toàn giao thông trên toàn quốc để đem lại kết quả ý nghĩa.

Bà Nguyễn Hoàng Yến- Giám đốc trung tâm CHD cũng đã chia sẻ một số thông tin về Dự án “Tăng cường truyền thông sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em và thắt dây an toàn trên xe ô tô” mà Trung tâm đang thực hiện. Mục tiêu dự án là tăng cường sự hiểu biết và ủng hộ của các cơ quan, đơn vị liên quan về tầm quan trọng của việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em và thắt dây an toàn trên ô tô, đẩy sự sẵn có của các thiết bị an toàn cho trẻ em tại Việt Nam, nâng cao nhận thức, kiến thức của cộng đồng về sử dụng các thiết bị an toàn cho trẻ em và thắt dây an toàn cho tất cả những người ngồi trên xe ô tô, thúc đẩy thực thi các quy định trong Luật “Trật tự an toàn giao thông đường bộ” (sắp trình Quốc Hội xem xét trong thời gian tới) nhằm đảm bảo sự an toàn và tính mạng của trẻ em khi tham gia giao thông.  Đại biểu từ vụ Vận Tải bộ GTVT cũng chia sẻ vụ Vận tải là cơ quan tham mưu cho các bên liên quan, rất nhiều bộ ngành cần thiết các thông tin giá trị này. Nếu muốn thay đổi được quy định cần phải thay đổi thói quen và cần có sự quyết tâm từ chính phủ, không chỉ riêng các bộ ngành và cần sự kiên trì, từng bước một, tương tự với quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm trước đây và có thể bắt đầu từ khuyến cáo trước khi ban hành quy định. Cán bộ từ Cục cảnh sát Giao thông cũng chia sẻ rằng “quy định ngoài ảnh hưởng từ các yếu tố pháp luật, còn ảnh hưởng từ các yếu tố Kinh tế. Tất nhiên quy định để bảo đảm an toàn cho trẻ, tuy nhiên phải xem xét đến các yếu tố kinh tế và thể trạng của trẻ để xem xét yêu cầu cho các đối tượng phù hợp.”

Cuộc họp chuyên đề “Thiết bị an toàn bảo vệ trẻ em trên xe ô tô” đã cung cấp những thông tin khoa học và chia sẻ tích cực về sư cần thiết phải có quy định đảm bảo an toàn cho trẻ e trên xe ô tô khi tham gia giao thông và gợi mở những vấn đề liên quan cần tiếp tục thúc đẩy để xây dựng và đưa những quy định đi vào thực tế.

IMGC7334 IMGC7320 IMGC7310 IMGC7124 IMGC6536

Bình luận

Bình luận

Leave a Reply

BIGTheme.net • Free Website Templates - Downlaod Full Themes