Sốt rét vẫn đang là một trong những vấn đề sức khỏe cần được quan tâm đặc biệt tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên, khu vực có sự giao lưu qua biên giới nhiều, tỷ lệ người đi rừng, ngủ rẫy đông vì vậy việc theo dõi thường xuyên lịch trình hoạt động của họ và xét nghiệm là việc cần thiết nhằm cải thiện sức khỏe cho cộng đồng.
Thời gian vừa qua, chương trình Quốc gia phòng chống sốt rét của Việt Nam đã thực hiện nhiều chiến lược phù hợp với cam kết thực hiện mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét do ký sinh trùng sốt rét P.falciparum năm 2025 và loại trừ hoàn toàn bệnh sốt rét vào năm 2030. Riêng năm 2019, Việt Nam tiếp tục công nhận loại trừ sốt rét tại 25 tỉnh bao gồm 16 tỉnh miền Bắc, 1 tỉnh miền Trung và 8 tỉnh miền Nam. Tuy nhiên tình hình vẫn gặp nhiều khó khăn cho khu vực Tây Nguyên do diễn biến phức tạp với nhiều ca nhiễm mới, tái nhiễm, đặc biệt trong nhóm đi rừng, ngủ rẫy, người dân sống trong vùng sốt rét lưu hành cao, đồng bào dân tộc thiểu số ở các khu vực vùng sâu vùng xa, biên giới. Chiến lược quốc gia ưu tiên việc dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán và hỗ trợ triệu trị kịp thời với đúng phác đồ đặt ra thách thức cho hệ thống y tế tuyến cơ sở khi đội ngũ nhân viên y tế thôn bản còn hạn chế về mặt chuyên môn, số lượng nhân viên y tế đảm bảo lấy lam chưa đáp ứng được nhu cầu cung ứng xét nghiệm kịp thời với nhóm dân di biến động, nhóm khó tiếp cận bởi địa lý, ngôn ngữ. Điều này là trở ngại lớn cho ngành y tế trong việc kiểm soát theo dõi ca bệnh, xét nghiệm, điều trị kịp thời và truyền thông tại cộng đồng.
Nhận ra khoảng trống này, dự án “Phòng chống sốt rét cho dân di biến động dọc biên giới Việt Nam – Cam Pu Chia” giai đoạn 2018 – 2020 do Quỹ Toàn cầu tài trợ thông qua tổ chức Heath Poverty Action (HPA) đã củng cố và nâng cao năng lực mạng lưới nhân viên y tế thôn bản/nhân viên y tế điểm để hỗ trợ địa phương quản lý và theo dõi các trường hợp là người đi rừng, ngủ rẫy và có giao lưu qua biên giới.
Định kì, các hoạt động của nhân viên y tế thôn bản (NVYT)/nhân viên y tế điểm luôn được cán bộ dự án từ trung tâm CHD và NIMPE hỗ trợ thông qua các chuyến giám sát nhằm ghi nhận những điểm mạnh, điểm yếu, các cơ hội và thách thức trong quá trình triển khai và thời gian sắp tới. Từ 29/6 đến 03/07, nhóm có chuyến thực địa tại các xã Đăk Nhau, Đường Mười (Bình Phước), Iao IaDom, Ianan (Gia Lai). Tại chuyến làm việc, thành viên dự án đã ghi nhận hoạt động mạng lưới cán bộ y tế thôn bản/nhân viên y tế điểm với những hiệu quả rõ ràng trong quản lý dân di biến động (nắm rõ lịch trình của các đối tượng) để có thể hỗ trợ tư vấn và lấy lam xét nghiệm. Đồng thời NVYT đã ghi chép các kết quả trên phần mềm điện thoại để nhóm dự án có thể cập nhật và phân tích số liệu tức thời, phân loại đối tượng để phát quà. Song song là các hoạt động thường quy về tư vấn, truyền thông cho nhóm đối tượng đích, người nhà về mức độ nguy hiểm của sốt rét và các biện pháp phòng chống.
Những báo cáo tại buổi họp giao ban cũng là cơ sở để nhóm giám sát tại tỉnh, cấp trung ương có cơ sở điều chỉnh và tham mưu các hoạt động khắc phục, đặc biệt trong một số vấn đề tồn tại như một số nhân viên y tế điểm còn yếu trong kỹ năng lấy lam, một số còn hạn chế ở kĩ năng truyền thông khi chưa tuân thủ các bước trong quy trình. Qua đó, đoàn giám sát đã rút kinh nghiệm NVYT/nhân viên điểm; khuyến khích họ duy trì những điểm mạnh/điểm tích cực đã có và cần khắc phục những điểm mình còn yếu. Đoàn yêu cầu trạm y tế các xã cần chủ động nâng cao năng lưc cho đội ngũ NVYT/nhân viên điểm trong họp giao ban hàng tháng để đảm bảo đầu ra các hoạt động dự án. Đồng thời yêu cầu các cán bộ HPA tuyến tỉnh nắm sát địa bàn hơn nữa, ví dụ: tỉnh Bình Phước vừa thay cán bộ tuyến tỉnh mới trong tháng 05/2020 nên cần đi cở sở nhiều hơn để nắm bắt tình hình và có sự hỗ trợ kịp thời. Các nhóm sẽ tiếp tục làm việc và có biện pháp điều chỉnh phù hợp để dự án đạt đúng tiến độ và hiệu quả như cam kết.
Chính sự phối hợp kịp thời giữa các nhóm trong dự án, cùng với nỗ lực của đội ngữ NVYT/nhân viên điểm đã trở thành đội ngũ tích cực, hiệu quả, góp phần không nhỏ trong mục tiêu loại trừ sốt rét tại địa phương.
Dự án là sự phối kết hợp ba bên giữa tổ chức HPA, Viện Sốt rét ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương và Trung tâm Tư vấn sức khỏe và Phát triển cộng đồng trong quản lý, điều phối và triển khai các hoạt động của dự án thông qua các cấp tỉnh, huyện, xã.