Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá của Việt Nam đã ban hành từ năm 2013. Từ đó, nhiều chính sách được thực hiện theo Công ước khung đã ký kết, nhiều hoạt động truyền thông tác hại của thuốc lá được tổ chức đa dạng, nhiều biện pháp đã được thực hiện … Tuy nhiên, người hút thuốc lá tại các nơi cấm chưa bị xử phạt theo Luật quy định. Năm 2019-2020, Trung tâm CHD thực hiện dự án “Tăng cường thực thi môi trường không khói thuốc tại địa điểm giao thông công cộng thông qua tăng cường thưởng, phạt và sự tham gia của cộng đồng” với Sở Giao thông vận tải TPHCM. Dự án được tài trợ bởi BI thông qua The Union được triển khai thí điểm tại bến xe Miền Tây và bến xe Buýt Sài Gòn. Dự án đã đem lại nhiều lợi ích, làm thay đổi cảnh quan môi trường của bến xe, nâng cao nhận thức của nhân viên, tài xế và hành khách khi đến bến xe. Lãnh đạo bến xe và những người trực tiếp tham gia hoạt động của dự án đều cảm thấy tự hào bởi những kết quả họ đạt được trong một thời gian ngắn ngủi. Họ đã xây dựng được môi trường không khói thuốc nơi công cộng và trên phương tiện giao thông với tiêu chí bến xe không thuốc lá; xây dựng ý thức nhắc nhở những người chung quanh tuân thủ quy định cấm hút để giữ không khí trong lành và môi trường sạch đẹp nơi công cộng.
Nguồn: CHD
Lãnh đạo bến xe đã làm gì?
“Bến xe đứng ra ký hợp đồng với những người bán hàng rong, cho phép họ được buôn bán, kinh doanh trong phạm vi bến xe, tuy nhiên vẫn phải thực hiện các quy định chung của bến xe. Khi triển khai dự án xây dựng môi trường không khói thuốc, chúng tôi mời toàn bộ người bán hàng rong tại bến xe, phổ biến về việc cấm bán thuốc lá và quảng cáo trong giỏ hàng, nếu bị phát hiện sẽ bị phạt 100.000 – 500.000 đồng, tái phạm là cắt hợp đồng.” Trần Văn Phương – Phó Tổng Giám đốc Bến xe Miền Tây
“Ban lãnh đạo khởi động thực hiện dự án đều nhận được sự tham gia của toàn bộ các phòng ban. Tất cả các nhân viên đều được khuyến khích tham gia và nhắc nhở mọi người. Thấy hút là nhắc. Cái này là trách nhiệm cá nhân nhưng mang ý nghĩa cộng đồng. Đầu tiên là nhắc nhở mềm mỏng, sau đó hướng dẫn đến nơi được phép hút và mức xử phạt theo quy định bến.” Đinh Tấn Tài – Tổ trưởng Tổ vệ sinh bến xe
Ý kiến của người giám sát hành vi hút thuốc
“Ai bị phạt lúc đầu cũng hằn học, chuyện đó mình hiểu, nhưng xong xuôi thì ra gặp ngoài đường mình vẫn vui vẻ vỗ vai, khuyên nhẹ nhàng và giải thích “anh không có lỗi với tôi, anh sai với quy định. Tôi là người thực thi quy định xử phạt. Anh vi phạm quy định thì bị lập biên bản xử phạt”. Vì vậy sau 2 năm tình hình vi phạm của nhân viên, tài xế, phụ xe thay đổi nhiều.” Nguyễn Văn Bình – Tổ trưởng Tổ bảo vệ bến xe
Kết quả đạt được
Bến xe ban hành Quy chế nội bộ và đánh giá thi đua có tiêu chí “không hút thuốc lá tại nơi làm việc” với mức xử phạt nghiêm khắc. Kế hoạch hoạt động của bến xe có sự phân công giám sát từng khu vực của các phòng/ban. Hợp đồng ký kết với các đối tác hoạt động dịch vụ với bến xe đều có tiêu chí liên quan đến cấm mua/bán, quảng cáo, hút thuốc lá tại bến và trên xe.
Trong hai năm, ghi nhận chứng cứ hình ảnh và xử phạt 254 trường hợp (chủ yếu là tài xế và tiếp viên trên xe) với tổng số tiền phạt là 109 triệu đồng (vnđ) và nhắc nhở 8.922 hành khách hút thuốc tại bến xe. Không ghi nhận cán bộ, nhân viên bến xe vi phạm hút thuốc tại nơi làm việc. Một kết quả khác được ghi nhận, có 9 nhân viên đã bỏ thuốc lá khi quy chế và xếp loại thi đua được ban hành.
Sự phối hợp và hỗ trợ của chính quyền địa phương
Thực thi môi trường không khói thuốc tại nơi công cộng và tăng cường xử phạt đòi hỏi sự kết hợp của nhiều đơn vị chức năng để đảm bảo thực hiện đúng luật, đặc biệt là chính quyền địa phương. Sự phối hợp giám sát liên ngành tại hai bến xe, tăng cường truyền thông, nhắc nhở đã làm số người hút thuốc tại bến xe giảm mạnh. Người hút thuốc đã tự giác đến nơi quy định để hút. Các hành vi mua/bán thuốc lá chỉ còn lén lút, không công khai như trước.
Từ thành công của mô hình, Sở Giao thông vận tải TPHCM và Ủy ban Nhân dân TP đồng ý triển khai mô hình này ở các bến xe, bến thủy, bến phà có vận chuyển hành khách.
Lê Thị Kim Phượng – Quản lý dự án