Home » TIN TỨC - SỰ KIỆN » BHYT giúp người có HIV yên tâm điều trị lâu dài

BHYT giúp người có HIV yên tâm điều trị lâu dài

Sau khi Bộ Y tế ban hành Thông tư 15/2015/TT-BYT, hướng dẫn thực hiện khám bệnh, chữa bệnh với bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nhiễm HIV và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS, lượng người nhiễm HIV/AIDS mua BHYT đang gia tăng.

Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, hiện tới 80% thuốc kháng virus (ARV) điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS đến từ nguồn tài trợ của Quỹ toàn cầu và Chương trình Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về HIV/AIDS (PEPFAR). Tuy nhiên, ngay từ năm 2013 các tổ chức quốc tế bắt đầu cắt giảm hỗ trợ tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS và theo lộ trình sẽ ngừng hoàn toàn trong tương lai gần. Do vậy, hơn 108.000 người nhiễm HIV/AIDS đang nhận thuốc ARV miễn phí sẽ gặp khó khăn sau thời điểm trên.

Dự kiến đến năm 2020, tiền thuốc ARV sẽ lên đến con số nghìn tỷ đồng một năm. Khi không còn tài trợ kinh phí mua thuốc ARV từ các tổ chức quốc tế, sẽ tạo sức ép tài chính rất lớn đến việc đảm bảo tài chính cho mua thuốc ARV điều trị cho người nhiễm HIV. Vì vậy, tháng 6/2015, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 15/2015/TT-BYT để hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS có cơ hội tiếp tục điều trị bằng thuốc ARV thông qua chi trả từ quỹ BHYT cho người nhiễm HIV có BHYT.

Bên cạnh đó, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng tổ chức nhiều sự kiện, hội thảo để thông tin đến người nhiễm HIV về lợi ích tham gia BHYT, đồng thời kêu gọi cộng đồng người nhiễm HIV mua BHYT để có thể điều trị bằng thuốc ARV liên tục, suốt đời.

Là một trong những cộng đồng người nhiễm HIV/AIDS hoạt động mạnh tại Hà Nội, nhóm “Hoa hướng dương” đã thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt để phổ biến lợi ích khi tham gia BHYT và hỗ trợ thành viên tham gia BHYT.

Theo chị N.T.H, một trong những thành viên tích cực của nhóm, chị đã mua BHYT từ mấy năm nay. Biết được lợi ích khi tham gia BHYT, chị đã tích cực động viên những người cùng cảnh ngộ tham gia mua BHYT.

“Được tham gia một số hội thảo tư vấn về việc sử dụng thẻ BHYT cho người nhiễm HIV, tôi hiểu rõ được những lợi ích tích cực BHYT đem lại. Nhất là trong thời gian tới nguồn viện trợ cắt giảm, không được cấp phát ARV miễn phí nữa, thì BHYT sẽ càng có tầm quan trọng hơn. Chính vì vậy, nhóm của tôi đã đặt mục tiêu phấn đấu 100% sẽ tham gia BHYT”, chị H chia sẻ.

Tương tự như trường hợp của chị H, anh T ở nhóm “Cát Trắng” cho hay, hoàn cảnh kinh tế gia đình anh rất khó  khăn, vì vậy lúc đầu anh mua BHYT để phòng chẳng may ốm đau, bệnh tật có bảo hiểm chi trả. Nhưng giờ biết được mức độ quan trọng của BHYT, anh đã “rủ” rất nhiều người trong nhóm mua. Trước đây, nhiều người không mua BHYT, nhưng giờ số lượng đã tăng lên đáng kể. Họ chủ động mua bảo hiểm từ hơn một năm trước và hiện nay, khoảng 70% thành viên trong nhóm đã có BHYT.

Anh T cho biết, từ khi được điều trị ARV, sức khỏe anh cải thiện đáng kể. Kiểm tra định kỳ hàng tháng, các chỉ số sức khỏe của anh ngày càng tốt hơn. Vì vậy, anh T mong muốn BHYT sẽ giúp cho anh được điều trị ổn định, lâu dài.

Theo báo cáo của Bảo hiểm Y tế, tỷ lệ chung người dân có thẻ BHYT thời điểm cuối năm 2015 là hơn 75%. TS. Hoàng Đình Cảnh,  Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho hay, chúng ta chưa có thống kê chính xác tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT. Gần đây, một số khảo sát ở quy mô nhỏ cho thấy tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT dao động từ 30% đến 50% tùy theo từng từng địa phương. Như vậy, có thể thấy tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT thấp hơn so với tỷ lệ có thẻ của người dân nói chung. Tuy nhiên, cũng có nhiều lý do nên ngay cả các khảo sát này cũng chưa thu được số liệu thực. TS. Hoàng Đình Cảnh cho rằng, khi tất cả người nhiễm HIV điều trị bằng thuốc ARV thông qua nguồn từ Quỹ bảo hiểm y tế thì khi đó có số liệu chính xác hơn.

Hiện nay, Chính phủ cũng đã xác định BHYT sẽ là nguồn chính chi trả thuốc ARV khi nguồn viện trợ cắt giảm và chấm dứt với mục tiêu tăng tỷ lệ người nhiễm có thẻ lên 100%. Chính vì vậy, ngành y tế đang nỗ lực để tiếp tục gia tăng số người tham gia BHYT.

TS. Hoàng Đình Cảnh, khẳng định, lợi ích của BHYT là quá rõ ràng, với mỗi người và là xu hướng tất yếu trong tiến trình tiến tới BHYT toàn dân. BHYT lại càng cần thiết với người nhiễm HIV/AIDS.  Nếu có phải đóng tiền mua BHYT thì với người nhiễm HIV cũng chỉ là đóng góp một phần nhỏ cho chi phí khám và điều trị bệnh cho chính bản thân mình. Do vậy, người nhiễm HIV nếu chưa có BHYT cần tham gia BHYT ngay từ bây giờ.

Theo tiengchuong.vn

Bình luận

Bình luận

BIGTheme.net • Free Website Templates - Downlaod Full Themes