Home » Dự án đang thực hiện » HỌP CHUYÊN ĐỀ KHOA HỌC “ĐỀ XUẤT PHƯƠNG ÁN VỀ QUY ĐỊNH BẢO VỆ TRẺ EM TRÊN XE Ô TÔ ”

HỌP CHUYÊN ĐỀ KHOA HỌC “ĐỀ XUẤT PHƯƠNG ÁN VỀ QUY ĐỊNH BẢO VỆ TRẺ EM TRÊN XE Ô TÔ ”

Tiếp theo cuộc họp chuyên đề khoa học về “Thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô” do Trung tâm Tư vấn Sức khỏe và Phát triển Cộng Đồng (CHD) và Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á (Quỹ AIP) đồng tổ chức ngày 03/8/2023. Trung tâm CHD và Quỹ AIP tiếp tục phối hợp tổ chức họp chuyên đề khoa học “Đề xuất phương án về quy định bảo vệ trẻ em trên xe ô tô” vào ngày 26/09/2023 nhằm cung cấp thông tin, sự cần thiết và đề xuất những quy định cụ thể bảo vệ trẻ em trên xe ô tô. Cuộc họp chuyên đề tập trung nêu bật thực trạng và những vấn đề đặt ra từ thực tế bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho trẻ em tại Việt Nam, các bằng chứng và kinh nghiệm quốc tế trong đó có Malaysia và Philipin thuộc khu vực Đông Nam Á về việc áp dụng quy định bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô.

Cuộc họp có sự tham gia của các đại biểu từ các Ủy ban cùa Quốc hội, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, các Bộ, Ban ngành hữu quan, các tổ chức chính trị – xã hội, hiệp hội và các nhà khoa học trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ.

Trao đổi tại cuộc họp, PGS.TS. Phạm Việt Cường (Đại học Y tế Công cộng) chia sẻ kết quả nghiên cứu về thực trạng sử dụng TBAT cho trẻ em trên xe ô tô của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phòng chống chấn thương – Đại học Y tế Công cộng. Ông nhấn mạnh: “Sự gia tăng nhanh chóng số lượng sở hữu phương tiện ô tô dẫn tới sự gia tăng số lượng trẻ em ngồi trên xe ô tô. Việt Nam chưa có quy định về thiết bị an toàn và vị trí an toàn cho trẻ em trên xe ô tô. Trẻ em cần sử dụng thiết bị an toàn cho đến khi dùng được dây an toàn của người lớn. Và trẻ chỉ có thể dùng dây an toàn khi đủ chiều cao xấp xỉ 150cm. Theo nghiên cứu tại 3 thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng, T. HCM chỉ có 1,3% xe có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ. Trong đó Hà Nội đạt 2,6%, TP HCM là 1,1% và Đà Nẵng 0%”. 

PGS.TS. Phạm Việt Cường đã đưa ra một số khuyến nghị như cần sớm có quy định về 1) Bắt buộc sử dụng TBAT với các đối tượng trẻ em: dưới 12 tuổi và chiều cao dưới 150cm; 2) Quy định độ tuổi trẻ em (<12) không được ngồi ghế trước; 3) Quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật TBAT trên xe ô tô (chốt ghế/đệm an toàn và hướng dẫn); 4) Quy định về chất lượng thiết bị an toàn trên ô tô.

TS. Dương Khánh Vân – cán bộ kỹ thuật của tổ chức WHO tại Việt Nam cho biết các nghiên cứu khoa học cho thấy tỷ lệ cơ thể trong các giai đoạn ở con người là khác nhau. Cơ thể trẻ em không phải bản sao thu nhỏ của người lớn, việc sử dụng thiết bị an toàn không phù hợp sẽ không bảo vệ được vùng đầu, não, cột sống cho trẻ em khi xảy ra va chạm. Theo một số nghiên cứu trên thế giới đã thống kê rằng sử dụng Thiết bị an toàn (TBAT) phù hợp và được trang bị đúng cách có thể giúp giảm ít nhất 60% số ca tử vong ở trẻ em [1]. Đối với trẻ từ 8-12 tuổi, một đánh giá có hệ thống từ Hoa Kỳ cho thấy rằng sử dụng đệm nâng có liên quan đến việc giảm 19% các thương tích không gây tử vong khi so sánh với trẻ em ở độ tuổi này chỉ sử dụng dây an toàn ở phía sau xe [2]. Ngoài ra, việc giữ trẻ em ngồi ở ghế sau của xe cũng giảm thiểu chấn thương. Theo báo cáo cập nhật của WHO năm 2023, có 91 quốc gia đã ban hành luật về TBAT, trong đó có 14 quốc gia trong khu vực WPRO/SEARO. Philippine[3] và Malaysia[4] là các quốc gia đã ban hành Quy định bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô trong năm 2019 và 2020.  Trung Quốc cũng là quốc gia đã ban hành điều khoản sử dụng thiết bị an toàn trong luật từ năm 2020 trên toàn bộ lãnh thổ và ngoài luật quốc gia thông qua, một số tỉnh, thành phố ở Trung Quốc cũng có luật thiết bị an toàn tại địa phương.

Trong phiên thảo luận của cuộc họp, đại diện của các cơ quan và các tổ chức liên quan cũng bày tỏ sự quan tâm đến chủ đề bảo vệ trẻ em trên xe ô tô và cho đây là vấn đề hết sức cần thiết và ủng hộ cho việc cần có các quy định cụ thể về việc sử dụng thiết bị an toàn về mặt chủ chương. Đại diện Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề xuất các chuyên gia, tổ chức cần đưa ra nhiều cơ sở khoa học cũng như cơ sở thực tiễn để cộng đồng cũng như ban soạn thảo nắm được thông tin phù hợp nhất. Tiếp theo cần đẩy mạnh truyền thông đến mọi đối tượng và toàn xã hội, các nhà quản lý, các tổ chức xã hội và các doanh nghiệp. Làm thế nào để đồng bộ với các nhà sản xuất để có mức giá phù hợp và có các dịch vụ cho thuê để có các chi phí hợp lý.

Cuối cùng, đại diện ban tổ chức cũng nhấn mạnh việc đánh giá tác động được dư luận rất quan tâm. Cần ước lượng được số trẻ em và số lượng gia đình có xe ô tô ảnh hưởng từ quy định này. Đặc biệt cần làm rõ sự liên hệ việc thực thi quy định này không liên quan đến lợi ích của các nhà sản xuất cho cộng đồng hiểu rõ. Cần giải trình thêm không có liên quan giữa quy định và các nhà sản xuất để không có mâu thuẫn lợi ích nào để cộng đồng nghi ngờ hay băn khoăn.

Cuộc họp chuyên đề “đề xuất phương án về quy định bảo vệ trẻ em trên xe ô tô ” được các đại biểu đánh giá đã cung cấp những thông tin, bằng chứng khoa học rất hữu ích và những chia sẻ tích cực về sự cần thiết phải có quy định đảm bảo an toàn cho trẻ e trên xe ô tô khi tham gia giao thông, đồng thời gợi mở những vấn đề liên quan cần tiếp tục thúc đẩy để xây dựng và đưa những quy định đi vào thực tế.TN016372 TN016379 TN016360



[1] ) Jakobsson L, Isaksson-Hellman I, Lundell B. Safety for the growing child—experiences from Swedish accident data. 2005

[2] Anderson DM, Carlson LL, Rees DI. Booster seat effectiveness among older children: evidence from Washington State. Am J Prev Med. 2017.

[3] The Policy Center. Adopting Comprehensive Child Restraint System Law: Philippine Experience. 2022

[4] NURULHANA BORHAN. CRS Standards & Advocacy : Malaysia Experience. 2022

 

Bình luận

Bình luận

Leave a Reply

BIGTheme.net • Free Website Templates - Downlaod Full Themes